Đôi nét về gia lai
- 03/12/2016
- 17843
Diện tích: 15.536,9 km2
Dân số: 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008)
Mã vùng: 84 - 0269
Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku.
Thành phố: Pleiku.
Thị xã: An Khê, Ayun Pa.
Các huyện: Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Krông Pa, Kông Chro, Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.
Dân tộc: Việt (Kinh), Jrai, Bahnar,...
Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21o - 25oC. Vùng tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 - 2.500 mm, vùng đông Trường Sơn từ 1.200 -1.750 mm.
Vị trí địa lý-Địa danh và địa giới hành chính
Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800 m so với mực nước biển. Với diện tích 15.536,92 km², tỉnh Gia Lai trải dài từ 12°58'20" đến 14°36'30" vĩ bắc, từ 107°27'23" đến 108°54'40" kinh đông. Phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đak Lak, phía tây giáp Cam-pu-chia với 90km là đường biên giới quốc gia, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Khí hậu
Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, một năm có hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình từ 2.200 đến 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22-25ºC.
Cửa ngõ TP. Pleiku về đêm. Ảnh: Nguyễn Giác
Địa danh và địa giới hành chính
Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai , Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.
Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai , Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.
Từ những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập khu vực cư trú của người Bahnar thuộc xã Hà Tây - huyện Chư Păh và xã Hà Đông - huyện Đak Đoa ngày nay để truyền đạo. Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên tạo nên những xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, dựa vào nhóm này để chống nhóm khác, chia rẽ Kinh - Thượng, chia rẽ các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau.
Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24 - 5 - 1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương.
Đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku (thành lập ngày 3 - 12 - 1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ), huyện An Khê, huyện Pleikli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai.
Tháng 6 - 1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và gọi tên của tỉnh là Pleiku. Từ năm 1946 - 1954, tỉnh Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung trải qua nhiều lần chủ thể cai quản theo các văn bản của chính quyền thực dân và chính phủ bù nhìn.
Về phía chính quyền cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tên tỉnh vẫn giữ là Gia Lai nhưng qua từng thời điểm khác nhau, tỉnh Gia Lai lại thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan khác nhau trong khu vực, các huyện trong tỉnh cũng nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính.
Đối với chính quyền Sài Gòn, mặc dù từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tên tỉnh vẫn gọi là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã nhiều lần thay đổi.
Về phía chính quyền cách mạng, từ năm 1954 - 1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Ngày 20 - 9 - 1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi là Gia Lai - Kon Tum.
Ngày 12 - 8 - 1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá VIII, Gia Lai - Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới.
Đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố: 17, gồm 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã và 14 huyện.
Đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: 222, gồm 24 phường, 12 thị trấn và 186 xã.
Dân số
Dân số tỉnh Gia Lai có 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm 52% dân số. Còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường...
Hội Làng- Mừng lúa mới của dân tộc Bahna, Kông Chro, Gia lai. Ảnh Nguyễn Giác
Cư dân Gia Lai có thể chia làm hai bộ phận: Bộ phận cư dân bản địa đã sinh sống ở Gia Lai từ lâu đời gồm dân tộc dân tộc Jrai và Bahnar, bộ phân cư dân mới đến bao gồm người Việt và các dân tộc ít người khác.
Người Việt đầu tiên đến sinh sống ở khu vực An Khê (phía đông bắc của tỉnh) từ cuối thế kỷ XVII. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XIX, người Việt định cư tại Gia Lai vẫn rất thưa thớt và cũng chỉ tập trung ở khu vực An Khê.
Trong thời thuộc Pháp, vào những năm 1923 - 1945, chính quyền thực dân đưa một bộ phận người Việt từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền chè, cà phê và các công trường làm đường dọc quốc lộ 19 và 14.
Thác Phú Cường, Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Từ năm 1954 trở về sau, dân số người Việt ở Gia Lai tăng nhanh do nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức của chính quyền Sài Gòn, dân di cư miền Bắc vào năm 1954, chính sách cưỡng ép đồng bào miền Trung lên các khu dinh điền.
Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng và Nhà nước ta đã chuyển một số lượng lớn đồng bào người Kinh từ miền Bắc và miền Trung lên xây dựng kinh tế, quốc phòng, điều động cán bộ bổ sung cho Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, làm cho số lượng người Kinh ở Gia Lai tăng lên nhanh chóng.
Dân tộc Jrai (Jơrai, Jarai, Gia Rai) là một trong 5 tộc người (Jrai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Chu Ru) Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - Polinesien) hiện đang sinh sống trên vùng đất nam Trường Sơn và đồng bằng ven biển Trung Bộ. Địa bàn cư trú là từ nam Kon Tum đến bắc tỉnh Gia Lai (theo chiều bắc - nam) và từ tây bắc tỉnh Phú Yên đến vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia (theo chiều đông - tây). Trong khu vực cư trú này, Gia Lai là địa bàn người Jrai sinh sống tập trung nhất. Khu vực cư trú chính là phía tây cao nguyên Pleiku (thuộc các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, thành phố Pleiku) và vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc ở phía đông nam tỉnh (thuộc thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa).
Với số lượng dân cư chiếm ưu thế trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, ý thức về tộc người và vùng lãnh thổ tộc người khá rõ, lại sinh sống trên địa bàn án ngữ các đầu mối giao thông huyết mạch nối bắc Tây Nguyên với các tỉnh ven biển nam Trung Bộ nên người Jrai ở Gia Lai chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng. Đây là bộ phận dân cư đã có những đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh. Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước những tên người như nhà giáo Nay Đer, anh hùng Kpa Ó, anh hùng Kpui Thu...đã đi vào lòng đồng bào Tây Nguyên và cả nước.
Tháng 3- Tây Nguyên. Ảnh: Gia Lai
Dân tộc Bahnar (Bơhnar, Ba Na) là một trong những dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme. Địa bàn cư trú chủ yếu là nam tỉnh Kon Tum, bắc và đông tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Bahnar sống rải rác ở các huyện phía tây của tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khu vực cư trú tập trung của người Bahnar là phía đông cao nguyên Pleiku (thuộc các huyện Mang Yang, Đak Đoa, phía bắc huyện Chư Pah), trên cao nguyên Kon Hơnờng (thuộc huyện Kbang), vùng trũng An Khê (thuộc các huyện Đak Pơ, Kông Chro, đông bắc thị xã An Khê).
Người Bahnar ở Gia Lai có truyền thống cách mạng lâu đời. Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, Tỉnh uỷ Gia Lai đều chọn khu vực cư trú của người Bahnar để xây dựng thành vùng căn cứ cánh mạng nên ảnh hưởng của cách mạng đến với người Bahnar khá sớm. Anh hùng Núp, anh hùng Wừu của dân tộc Bahnar hiện không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Tây Nguyên, mà còn là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam.
Ngoài các dân tộc nêu trên, tính đến năm 2005, Gia Lai có 915 người Hoa mà tổ tiên của họ có mặt ở Gia Lai từ những ngày đầu thành lập thị xã, thị trấn.
Từ năm 1954 đến nay, Gia Lai còn tiếp nhận một bộ phận đồng bào các dân tộc ít người từ miền Bắc vào theo hai đợt chính. Đợt thứ nhất vào năm 1954 và đợt thứ hai trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (cuối thập niên 70 của thế kỷ trước). Đến cuối năm 2006, Gia Lai có 23.770 người là đồng bào các dân tộc ít người không thuộc bộ phận các cư dân bản địa, chiếm 2,04% dân số toàn tỉnh.