Đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản là điểm sáng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

  • 16/11/2020
  • 3134

 

 

“Việc hợp tác đưa hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản được xem làm một điểm sáng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả cao, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước” 

Anh-3a---0559.jpg

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản

Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Bá Hoan tại Hội nghị Sơ kết Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2012-2019, do Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức diễn ra sáng 12/11, tại Hà Nội. Tham dự còn có ông Hayashi Mikio - Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan liên quan của Việt Nam và Nhật Bản.

1.340 ứng viên được đưa sang làm việc tại Nhật Bản

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, sau 45 năm kể từ khi hai nước Việt Nam - Nhật Bản thiết lập mối quan hệ ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước ngày càng được coi trọng. Nhiều chương trình, dự án đã được Bộ LĐ-TBXH Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung của quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Anh-1a---0585.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định VJEPA đã được hai nước chính thức triển khai từ năm 2012. Từ đó đến nay, chương trình đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 1.670 ứng viên. Trong số đó có 1.340 ứng viên đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.

"Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác, với tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% ứng viên hộ lý) trong khi ứng viên các nước khác chỉ đạt khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.

Ngoài ra, ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam luôn được các cơ sở đánh giá cao về tính cần mẫn, nhiệt tình trong công việc, năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Nhật tốt,…Từ đó, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam từ các cơ sở tiếp nhận luôn cao hơn rất nhiều so với ứng viên được tuyển chọn, đào tạo hàng năm.

“Việc hợp tác đưa hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản được xem làm một điểm sáng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả cao, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước.” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam luôn được đánh giá cao

Tại Hội nghị, ông Hayashi Mikio, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao những hộ lý, điều dưỡng Việt Nam, bởi số lượng và chất lượng các ứng viên tăng lên đáng kể so với các nước khác và rất ổn định theo từng năm.

Anh-4a---0576.jpg

Ông Hayashi Mikio, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Hayashi Miki, từ tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản cao, cùng với phản hồi tốt đến từ các cơ sở tiếp nhận, cho thấy nỗ lực hợp tác từ Chính phủ hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản cũng như nỗ lực đến từ các cơ sở đào tạo.

Ông Hayashi Miki cho rằng hoạt động chưa có tiền lệ là đào tạo trước khi đưa các ứng viên sang làm việc đã tạo nền tảng tốt để có thể đạt được những kết quả tốt như hôm nay.

“Trước những thành công đạt được, song vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại nằm ở việc tuyển dụng các ứng viên. Trong xu hướng hiện nay, có thể thấy rằng các cơ sở tiếp nhận đang tăng số lượng ứng viên. Hiện nay, mới chỉ đáp ứng được số lượng ứng viên nhất định hàng năm chứ chưa đáp ứng được số lượng mà các cơ sở tiếp nhận yêu cầu” – ông Hayashi Miki đánh giá.

Anh-2b---0545.jpg

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu tại Hội nghị

Trước tình hình đó, phía Nhật Bản đã đưa ra những cải cách về chế độ, tạo mức độ hấp dẫn cao hơn từ các ứng viên. Ông Hayashi Mikio hy vọng hai nước sẽ tích cực đưa ra những sáng kiến mới để việc tuyển dụng trở nên thuận lợi hơn, có thể tìm kiếm được nhiều ứng viên hơn trong thời gian tới.

Ông Hoàng Mạnh Cầm, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo đánh giá tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA nhận định: Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, EPA đã chứng minh được là một chương trình tốt, mang lại lợi ích cho Chính phủ hai nước, cơ sở tiếp nhận và các ứng viên tham gia chương trình.

Anh-6a---0638.jpg

Ông Hoàng Mạnh Cầm, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo đánh giá tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA trình bày báo cáo tại hội nghị

Nhóm chuyên gia đưa ra khuyến nghị về việc cần gia hạn chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA trong thời gian tới để nhiều điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam đủ yêu cầu được sang làm việc tại Nhật Bản nâng cao tay nghề, trình độ, cải thiện thu nhập, phần nào đảm bảo thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản.

Với chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, cần xem xét áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với ứng viên của chương trình, từ đó có thể cải thiện mức thu nhập sau thuế cho ứng viên mà không tạo thêm gánh nặng chi trả tiền lương cho các cơ sở tiếp nhận.

Về phía  các cơ sở tiếp nhận phía Nhật Bản cần có quy định đảm bảo mức công bằng về tiền lương đối với các lao động như nhau; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn bổ sung nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hiểu biết cho ứng viên; Tăng mức hỗ trợ về nhà ở để ứng viên giảm bớt gánh nặng...

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử - Bộ LĐTBXH