Học nghề theo mô hình 9+: Xu hướng mới của nhiều học sinh

  • 01/10/2021
  • 786

(Dân sinh) - Theo nhiều chuyên gia, học sinh (HS) không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là "cửa" đã đóng. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp... luôn sẵn sàng chào đón thí sinh, quan trọng là các em lựa chọn sao cho phù hợp.

Học nghề theo mô hình 9+: Xu hướng mới của nhiều học sinh - Ảnh 1.

Mô hình 9+ đang thu hút đông đảo học sinh tốt nghiệp THCS.

Xu hướng mới của nhiều phụ huynh, HS

Năm học 2021 - 2022, toàn TP. Hà Nội có hơn 67.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập trên tổng số hơn 93.000 thí sinh đăng ký dự tuyển. Nếu trừ đi số lượng HS trúng tuyển vào các trường THPT chuyên, sẽ có gần 30.000 HS không trúng tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm khoảng 30%.

Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm trúng tuyển lớp 10 vào các trường THPT công lập, thay vì... thất vọng, nhiều phụ huynh và HS đã chọn hướng đi mô hình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề).

Theo ghi nhận tại một số trường cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn TP. Hà Nội như: CĐN Công nghiệp Hà Nội, CĐN Công nghệ cao Hà Nội, TCN Tổng hợp Hà Nội... có đông phụ huynh đến tìm hiểu chương trình 9+, bao gồm thông tin về môi trường học văn hóa và học nghề, sức khỏe có đảm bảo cho việc cùng lúc học văn hóa và học nghề…

Nhiều phụ huynh chia sẻ: Chương trình 9+ giúp HS được tiếp xúc với thực tế, khiến các cháu hứng thú hơn và tự học tập. Ngay sau khi hoàn thành chương trình, phía nhà trường đưa đến các doanh nghiệp đã đặt hàng để làm việc ngay. So với HS có học lực trung bình, đây là mô hình phù hợp.

"Con tôi bị thiếu điểm vào trường THPT công lập Cầu Giấy, nếu học trường tư thì gia đình không đủ khả năng. Do vậy, sau khi tìm hiểu, gia đình quyết định cho cháu học chương trình 9+ để khi ra trường nền tảng văn hóa được nâng lên lại có tay nghề", một phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con tại trường CĐN Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.

"Em được biết trường TCN Tổng hợp Hà Nội đang tuyển sinh đào tạo theo chương trình song bằng. Khi tốt nghiệp, HS sẽ được nhà trường cấp 2 bằng đó là bằng THPT chính quy và bằng trung cấp chính quy. Việc học văn hóa và học nghề được tổ chức ngay tại địa điểm trường nghề, rất thuận tiện cho việc đi lại. Vì thế, em nộp hồ sơ học trường này có những ngành nghề phù hợp với sở thích", em Nguyễn Hải cho biết.

Tương tự, Quốc Huy chọn học hệ 9+ tại trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội để vừa có thể học văn hóa, vừa chọn học một nghề thuộc khoa Công nghệ thông tin để tiếp cận dần với ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi trong tương lai mà em đã ấp ủ trong những năm học THCS.

Nhiều "cửa" cho HS sau tốt nghiệp THCS

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, những HS không có nguyện vọng học tiếp lên đại học, thì việc học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ phù hợp. Hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng đều đã triển khai hệ đào tạo này. Rõ ràng, THPT không phải là con đường duy nhất bởi vẫn còn có những cánh cửa khác đang mở ra cho HS sau khi tốt nghiệp THCS.

Học nghề theo mô hình 9+: Xu hướng mới của nhiều học sinh - Ảnh 3.

Những HS không có nguyện vọng học tiếp lên đại học, thì việc học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ phù hợp.

Liên quan đến mô hình giáo dục này, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, với mô hình 9 + người học có lợi thế là có thể cân nhắc chọn học một nghề phù hợp và sẽ sớm tham gia thị trường lao động sau khi đã có bằng tốt nghiệp trường nghề. Chưa kể, trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em được sắp xếp hợp lý để học các môn văn hóa, đủ điều kiện sau này có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.

Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Minh Phương cho biết, chương trình 9+ được nhà trường thực hiện từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực và rất đáng khích lệ. Chương trình 9+ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm kinh phí học tập; sau 3 năm HS hoàn thành được chương trình văn hóa THPT, chương trình trung cấp nghề và tham gia thị trường lao động ngay. Đặc biệt, có không ít HS 9+ có kết quả học nghề và học văn hóa rất nổi trội.

TS, NGƯT Phạm Xuân Khánh, phụ trách trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội khẳng định: "Chương trình 9+ khả năng có tương lai bền vững hơn nên ngày càng được nhiều phụ huynh và HS lựa chọn. Chương trình này cũng chính là giải pháp để thực hiện thành công Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phấn đấu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS và ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp''.

THANH HÒA