Phó Thủ tướng: Coi giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội

  • 20/12/2021
  • 1837

Bộ Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp - cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh về việc phát triển nhà ở công nhân, người thu nhập thấp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh về việc phát triển nhà ở công nhân, người thu nhập thấp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh điều này tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành xây dựng diễn ra ngày 18/12.

Vi phạm về quy hoạch còn xảy ra nhiều

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, ngành xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng so với năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhưng hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế ngành xây dựng cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật còn chậm so với yêu cầu. Đặc biệt là việc theo dõi, đánh giá tác động đối với một số cơ chế, chính sách còn chưa toàn diện, chưa sát thực tế, chưa được điều chỉnh kịp thời. Ở một số đô thị việc điều chỉnh quy hoạch chưa bảo đảm khoa học, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định (nhất là tại các đô thị lớn, khu vực phát triển mới…). Đầu tư phát triển đô thị chưa đồng bộ về hạ tầng, thiếu tính kết nối, đặc biệt hệ thống công viên, cây xanh và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch còn xảy ra nhiều, đặc biệt tại một số đô thị lớn, khu vực ven đô… Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, nhất là tại các địa phương.

"Nếu cứ duy trì đà như này thì không thể có đô thị văn minh được. Tôi đề nghị các đồng chí đánh giá, có giải pháp chỉ đạo từ trung ương đến địa phương để khắc phục tình trạng này", Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng trong tổ chức lập các quy hoạch, quản lý, điều chỉnh quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Muốn quy hoạch tốt thì phải có được đội ngũ cán bộ làm quy hoạch có năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi quy hoạch xây dựng liên quan trực tiếp đến đất đai, trong khi qua thống kê, 80% các vụ tham nhũng, tiêu cực đều liên quan đến đất đai. Do vậy người làm quy hoạch phải bản lĩnh, không thế lực nào can thiệp được".

Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành xây dựng cần quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng (xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch), nhất là tại các đô thị và khu vực phát triển mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Ngành xây dựng phải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đột phá về xây dựng thể chế chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các ngành, các địa phương, đơn vị nhằm tạo môi trường thuận lợi, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế -xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Một trong những trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội xác định vừa qua là thể chế, là phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Đến nay đã đạt những bước đầu quan trọng. Những vướng mắc để khơi thông nguồn lực còn nhiều, nhiều dự án từ khi có chủ trương đến khi triển khai được mất đến hàng năm. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022, Bộ Xây dựng cần tập trung thật cao vào cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi các thủ tục trong các văn bản hành chính. Việc này rất quyết định đến môi trường đầu tư kinh doanh.

"Ở địa phương này chậm thì doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư sang địa phương khác. Trên bình diện quốc gia, chậm thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ sang đầu tư ở quốc gia khác".

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp - cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

"Qua đi thực tế phòng, chống dịch vừa qua, tôi thấy riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh có 700.000 căn nhà cho thuê, diện tích mỗi căn chỉ khoảng 9m2, nhưng có đến 3 triệu công nhân, người lao động sinh sống ở đó... Từ đó đặt ra vấn đề quản lý xây dựng của chúng ta như nào, trách nhiệm của địa phương như nào?", Phó Thủ tướng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh về 3 giải pháp đột phá của ngành trong năm 2022

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh về 3 giải pháp đột phá của ngành trong năm 2022

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý 4/2021, trong đó có ngành xây dựng. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước quý 4/2021 tăng 33% so với quý 3/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%.

Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý 4 nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực.

Về các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, năm 2021, giá trị lũy kế giải ngân vốn công đã được phân bổ từ 1/1/2021 đến ngày 15/12/2021 là 193,601 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch năm 2021.

Bộ Xây dựng đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021 như: đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát để phát hiện các quy định chưa phù trong thực tế hoạt động xây dựng để tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về chỉ tiêu trong năm 2022, ngành xây dựng phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 - 5,56%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.

Đánh giá về năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sẽ tiếp tục có thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Xây dựng là rất lớn.

Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá. Trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường quản lý nhà nước; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. 

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ Xây dựng sẽ bám sát Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp; trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội; đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

NGUYỄN SÍU