Tạo động lực cho nền kinh tế và phục hồi thị trường lao động

  • 21/02/2022
  • 1062

Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi nền kinh tế- xã hội trong năm 2022. Với hàng loạt chính sách hỗ trợ tiền mặt, và cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động, Nghị quyết sẽ được Bộ LĐ-TB&XH triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm…

Triển khai ngay các chính sách ‘tiếp sức’ cho người lao động ngay trong tháng 2

Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Khẳng định việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội sẽ góp phần phục hồi thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một trong những mục tiêu ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm tới là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trong thời gian tới.

“Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, vấn đề an sinh được coi là một trong 5 nội dung quan trọng. Trong phục hồi an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động.”, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Thông tin về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa trong 3 tháng.

Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung-cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ, ông Lê Văn Thanh cho biết, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ LĐ-TB&XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ thông qua. Về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Những chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sẽ được triển khai ngay trong tháng 2

Những chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sẽ được triển khai ngay trong tháng 2

Nghị quyết 11 sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế

Về triển vọng và cơ hội hồi phục, phát triển kinh tế năm 2022 , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tuy nền kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít “điểm nghẽn”, “nút thắt”, nhưng việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế.

Các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp; hay việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực…là phương thức hợp lý và khoa học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời phù hợp với cơ chế thị trường.

Liên quan đến cơ hội phục hồi kinh tế năm 2022, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu dùng nội địa (vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP) có khả năng tăng cao nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI cũng khôi phục sản xuất kinh doanh nhờ sự "hồi sinh" từ cả phía cung, cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Thêm vào đó, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế sẽ rõ nét hơn. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

"Các chính sách hỗ trợ tạo động lực, kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phân tích, lường trước các "nút thắt", "điểm nghẽn" trong phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 để nhận diện đa chiều cũng như chính xác tình hình, từ đó có phương án linh hoạt và thích hợp nhất.

Đơn cử như ảnh hưởng của đại dịch đến chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa; "bài toán" thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu; một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, dù kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Ngoài ra, còn có các khó khăn hiện hữu khác như: Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ; nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát…

CHÂU GIANG