THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

  • 09/01/2023
  • 762

(GLO)- Sở Lao động-Thương binh và xã hội vừa có văn bản số 24/SLĐTBXH-CSLĐ gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã về việc phối hợp thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, nhất là việc tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của người lao động để kịp thời phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết.

 

Các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 121/QĐ-UBND ngày 4-3-2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững, hội nhập.

 

Lao động địa phương làm việc tại Công ty TNHH May Ngân Anh (làng Pơbah Ktu, xã An Trung). Ảnh: Mộc Trà
Lao động địa phương làm việc tại Công ty TNHH May Ngân Anh (làng Pơbah Ktu, xã An Trung, huyện Kông Chro). Ảnh: Mộc Trà

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của các doanh nghiệp và đời sống người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời, tình hình người lao động quay trở lại làm việc sau Tết.

 

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của các doanh nghiệp và đời sống người lao động trên địa bàn, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

 

Tuyên truyền phổ biến, công khai danh sách các hòa giải viên lao động để kịp thời hòa giải các tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, qua đó hạn chế, ngăn ngừa việc đình công, lãn công, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự.

 

Sở Lao động-Thương binh và xã hội đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về lao động, việc làm; quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động; tăng cường thương lượng, đối thoại giữa các bên trong quan hệ lao động; sáng tạo, chủ động ứng dụng khoa học để chuyển đổi mô hình sản xuất hiện đại, an toàn; chuyển đổi cơ cấu công nghệ để nâng cao năng suất lao động và đi kèm với đó là chú trọng đào tạo lại cho người lao động.

 

Hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu đào tạo cho lao động để các cơ quan, đơn vị sớm có kế hoạch đào tạo, định hướng, phân bố, điều phối lao động tránh sự mất cân đối cung-cầu lao động; thiếu lao động cục bộ. Có chính sách thu hút, giữ chân lao động (lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phúc lợi xã hội,…) để ổn định sản xuất kinh doanh phục hồi sản xuất.

 

Người lao động xem thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh và nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà
Thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Ảnh: Mộc Trà

 

Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung-cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung tư vấn cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số, thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ, học viên cai nghiện ma túy, người chấp hành xong mãn hạn tù… Nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của từng lao động để tư vấn cho phù hợp. Kịp thời giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc. Chủ động phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình các địa bàn có đông lao động từ các tỉnh phía Nam trở về để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động sau Tết Nguyên đán.

 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động; tập trung đào tạo các ngành, nghề thị trường lao động đang có nhu cầu và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng tái tạo… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng, cập nhật, đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Đa dạng hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ.

 

Bên cạnh đó, cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong tiếp nhận và sử dụng lao động sau khi hoàn thành khóa học; hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, xây dựng chương trình, đánh giá kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trong nhà trường nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

 

Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động; nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thực hiện các cam kết với người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận khác của doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tham khảo, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp hài hòa các bên cùng có lợi.

LỆ HẰNG - GLO