Lồng ghép tuyền truyền về bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao nhận thức cho người lao động

  • 16/03/2023
  • 596

Việc kết hợp lồng ghép giữa hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN.

Bà Doãn Thị Thanh Huế - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hỗ trợ đào tạo lao động -Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022, hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Vĩnh Phúc được tổ chức thường xuyên thông qua các hội nghị tư vấn, hoạt động của sàn giao dịch việc làm định kỳ và các phiên lưu động tại xã, phường, các trường nghề, Trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn tỉnh, băng rôn, tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng, website, zalo, fanpage ...

 Việc kết hợp lồng ghép giữa hoạt động tuyên truyền về BHTN với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN.

Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có hiệu quả nhất định, số doanh nghiệp, người lao động tham gia BHTN ngày càng tăng; tình trạng người lao động có việc làm đến thông báo, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tăng, số lượng phải thu hồi tiền TCTN cũng được giảm thiểu đáng kể.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 233.723 người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, 225.640 người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.042 người.

Trong đó, 10.584 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 87 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, 169 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 24 người chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đi địa phương khác.

Bên cạnh đó, số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp là 366 người, 127 người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, 8.453 người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, 398 người có quyết định hỗ trợ học nghề, 28.184 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề là hơn 212 tỷ đồng; trong đó số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 1,9 tỷ đồng.

Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và ngành chức năng bám sát tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, làm tốt công tác dự báo tình hình sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng kênh kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách BHTN trong thời gian tới,  bà Huế cho rằng, việc tuyên truyền vẫn cần phải được thực hiện thường xuyên và có chiều sâu để cộng đồng, người sử dụng lao động, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về chính sách BHTN, để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.

Để chính sách BHTN đóng vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, theo bà Huế, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến những thay đổi trong chính sách BHTN đến người sử dụng lao động và người lao động. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật các văn bản mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác giải quyết chính sách BHTN.

Đồng thời, hệ thống phần mềm quản lý BHTN cần được nâng cấp đồng bộ trong toàn hệ thống nhằm hỗ trợ tiếp nhận, quản lý, theo dõi cập nhật dữ liệu và tổng hợp số liệu báo cáo về công tác thực hiện chính sách BHTN được nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc sẽ báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Cục Việc làm nâng cấp, sửa chữa hệ thống phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp đồng bộ trong toàn hệ thống để hỗ trợ tiếp nhận, quản lý, theo dõi cập nhật dữ liệu và tổng hợp số liệu báo cáo về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp được nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Cùng với đó, Trung tâm cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và lớp tập huấn kỹ năng cho cán bộ thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ có hiệu quả hơn nữa trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Hà Phương