Chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

  • 20/03/2023
  • 780

(Dân sinh) - “Đối với Bộ LĐ-TB&XH, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế, chúng tôi sẽ tập trung cao cho việc phát triển nguồn nhân lực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn

Ngày 19/3, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.

Tập trung cao cho việc phát triển nguồn nhân lực

Như thông lệ hàng năm, Diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các kiến nghị, thể hiện tinh thần hợp tác trong đối thoại giữa khu vực tư nhân và Chính phủ, trong những năm tới, sẽ có được sự tăng trưởng xanh bền vững mạnh mẽ tại Việt Nam.

Thao gia chia sẻ liên quan đến các kiến nghị của các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 (VBF 2023) về đào tạo nhân lực cao, đặc biệt về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…

“Đối với Bộ LĐ-TB&XH, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế, chúng tôi sẽ tập trung cao cho việc phát triển nguồn nhân lực”, ông nói.

Đối với lực lượng lao động trong nước, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường lao đồng linh hoạt, bền vững và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ban hành những chuyên đề đột phá chuyên về khoa học công nghệ, gắn với thực tiễn đời sống.

Về đào tạo nhân lực cao, đặc biệt về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nòng cốt là lấy nguồn nhân lực từ hệ thống giáo dục là các trường đại học, đào tạo nghề chất lượng cao để thực thi.

Đối với lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam, 3 đối tượng cần quan tâm là chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao. “Chúng tôi xác định đây là lực lượng rất quan trọng. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là luôn trân quý và sự dụng có hiệu quả lực lượng này, vừa phục vụ yêu cầu trong nước, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển”, Ông Dung nhấn mạnh

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Chúng tôi luôn lắng nghe các ý kiến góp ý, và sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và sửa Nghị định 152 vào cuối quý III/2023 theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn, xác định rõ 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao theo hướng cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng này”.

Ông cũng thông tin cụ thể thêm, về trình độ, thủ tục, hồ sơ, phấn đấu đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thời gian, phân cấp ngắn nhất để tạo điều kiện nhanh nhất có thể cho những người lao động nước ngoài. Trong quý II, sẽ lấy ý kiến đề xuất cụ thể của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các đơn vị… từ đó đưa ra những phương án, giải pháp khả thi, thiết thực và thuận lợi.

“Trong 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao thì chuyên gia, quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu”, ông Dung lưu ý.

Đối với những trường hợp trước đây đã được cấp phép, nay chuyển sang đối tượng khác, chẳng hạn, được cấp phép 5 năm, nhưng nay chuyển sang là chuyên gia, không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn, thì vẫn có thể xem xét, hạn chế việc cấp phép lại trên tinh thần tạo mở, tạo điều kiện cho đối tượng này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành chụp ảnh với các tổ chức quốc tế nhận kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành chụp ảnh với các tổ chức quốc tế nhận kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Đã sẵn sàng các phương án áp thuế tối thiểu toàn cầu

Chia sẻ liên quan đến các kiến nghị của các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 (VBF 2023) về các giải pháp chính sách thuế, trước mắc dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng; Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam…, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, để tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

Việt Nam tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động BEPS với mục tiêu cải cách hệ thống thuế: Chống xói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.

Đại diện Tổng Cục thuế cho biết, Chính phủ đã có tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đã đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.

“Về các giải pháp chính sách thuế, trước mắc chúng tôi dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam”- Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.

Về trung hạn, kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…

Bộ Tài chính cũng ghi nhận những kiến nghị của Hiệp hội về hướng dẫn thuế đối với các dịch vụ số xuyên biên giới, khẳng định chủ quyền quản lý thuế và tuân thủ theo các công nghệ quốc tế.

Bộ Tài chính luôn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ cho người tiêu dung hợp lý, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Tài chính mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các biện pháp qua thuế nhằm bảo vệ môi trường như thuế các-bon, cắt giảm khí thải.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn luôn cầu thị lắng nghe, tập trung xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trong đó có việc tập trung xây dựng, tiến tới ban hành chính sách thuế tiêu thụ toàn cầu, quy định thông thoáng hơn về visa, cấp phép lao động, các vấn đề liên quan đến đất đai, nhà ở, các vấn đề liên quan đầu tư…

Thủ tướng nhận định, tình hình thế giới ngày nay có sự chuyển biến rất nhanh, khó lường, với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, với bề dày hợp tác, phát triển, Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng Việt Nam vượt qua khó khăn tiếp tục hợp tác hiệu quả, bền vững.

Thanh Nhung