Chọn ngành nghề thế nào để không thất nghiệp sau khi ra trường?

  • 20/04/2023
  • 889

Bên cạnh việc chọn đúng ngành, yếu tố quan trọng để không thất nghiệp là quá trình tự học của sinh viên, phải không ngừng trau dồi, phát triển kỹ năng, kiến thức phù hợp với công việc tương lai.

Trao đổi với Lao Động, cô Vũ Thuý Bình - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành hoặc thất nghiệp chiếm tỉ lệ rất lớn. Chính vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từ sớm là điều cần thiết.

Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, thầy cô, nhà trường và các đơn vị tuyển dụng để tránh làm lệch hướng trong sự lựa chọn của thí sinh, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của người học.

“Để chọn ngành đúng và trúng, trước hết các em cần căn cứ vào tình hình của thị trường lao động, những ngành “hot”, thiếu nhân lực, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, các em xác định học nghề hay học đại học. Ví dụ, trong ngành xây dựng, cần lao động có kỹ năng về nghề, có tay nghề cao thì những người học nghề sẽ có cơ hội hơn những kỹ sư.

Bên cạnh đó, việc chọn nghề phải dựa theo sở thích, phải yêu mới có thể học và theo đuổi. Đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề tài chính, hoàn cảnh của bản thân, gia đình để lựa chọn những ngành, những trường vừa sức với khả năng, tránh tình trạng bỏ ngang vì không đáp ứng được kinh tế” - cô Bình đưa ra lời khuyên.

 
Chọn ngành nghề thế nào để không thất nghiệp? Ảnh minh họa: Phạm Đông

Để sinh viên đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của nhà tuyển dụng, các trường đại học có thể tạo điều kiện, mở rộng hiểu biết, thích ứng nghề nghiệp đa dạng hơn. Chẳng hạn, một sinh viên học chuyên ngành Báo in sẽ được học và tìm hiểu thêm báo mạng, báo truyền hình... Khi ra trường, sinh viên không chỉ làm tốt chuyên ngành của mình mà có thể đảm nhận mọi công việc có liên quan.

Bên cạnh đó, cần tăng chất lượng, tăng thời gian thực hành để sinh viên có thể thành thạo công việc và làm việc ngay sau khi ra trường.

Quá trình đào tạo ở trường đáp ứng những nền tảng cơ bản, nhưng để thích ứng và hoàn thiện kỹ năng cần có trong công việc buộc sinh viên phải tự học, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về ngành nghề. Kiến thức phải đi đôi với kỹ năng thực hành, như vậy mới tạo hiệu quả cao trong công việc.

"Trước tiên hiểu mình là ai, sau đó hiểu được yêu cầu của nhà tuyển dụng và ngành nghề mình đang lựa chọn cần những kỹ năng như thế nào. Mỗi ngành nghề sẽ yêu cầu khả năng đặc thù khác nhau, muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị, quan sát, thực hành. Sinh viên phải không ngừng học hỏi, tiếp cận với việc làm để rèn giũa và điều chỉnh kỹ năng cho phù hợp nhất" - cô Bình đưa ra lời khuyên.

Theo Báo Lao Động