Theo luật mới, đóng BHXH tối thiểu 15 năm có lương hưu, mức hưởng thế nào?

  • 17/07/2024
  • 434

(Dân sinh) - Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Từ 1/7, Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quy định mới về thời gian đóng bảo hiểm được áp dụng với cả người đã tham gia BHXH từ trước ngày luật có hiệu lực.

"Việc giải quyết các chế độ BHXH được xác định theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm hưởng chế độ, trừ trường hợp luật này có quy định khác", theo BHXH Việt Nam.

Theo luật mới, đóng BHXH tối thiểu 15 năm có lương hưu, mức hưởng thế nào? - 1
Giảm số năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm đã tạo cơ hội cho nhiều lao động tham gia BHXH muộn có cơ hội tiếp cận với lương hưu. (Ảnh minh họa: ITN).

Quy định mới áp dụng với cả người đã tham gia BHXH từ trước ngày luật có hiệu lực

Luật BHXH 2024 đã giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm đã tạo cơ hội cho nhiều lao động tham gia BHXH muộn có cơ hội tiếp cận với lương hưu.

Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Nếu người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, thì phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên và được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ Luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. 

- Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ Luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Với việc giảm năm đóng BHXH để có lương hưu đã đem đến niềm vui cho nhiều người. Đơn cử trường hợp của bà Lê Thị Kiều Nga, nhân viên tạp vụ tại một trường mầm non ở quận 6, TPHCM. 

Chưa tới 2 tháng nữa, bà Nga đã có thể nghỉ hưu trong khi bà mới đóng BHXH được hơn 16 năm. Nếu theo quy định trước đó (đóng tối thiểu 20 năm) thì bà còn thiếu hơn 3 năm, và để được có lương hưu, bà phải tham gia BHXH tự nguyện hoặc xin nhà trường tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc tới lúc đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, với sự thay đổi của chính sách BHXH thì ngay khi luật có hiệu lực (1/7/2025) bà sẽ được hưởng lương hưu. 

"Đây là điều tôi mong chờ ngay khi có đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu, yên tâm tuổi già", bà Nga cho hay.

Mức hưởng lương hưu hàng tháng

Luật BHXH (sửa đổi) quy định rõ về mức hưởng lương hưu hàng tháng. Theo đó, với lao động nữ tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;

Đối với lao động nam, tỷ lệ hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%.

Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH. Chính phủ sẽ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.

Liên quan đến nội dung này, trước đó, giải trình các vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng. 

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu và được bảo đảm bảo hiểm y tế. 

“Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo báo Dân Sinh