GDNN cần chủ động bám sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp

  • 11/10/2021
  • 731

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa tổ chức Hội nghi giao ban công tác Quý VI mở rộng, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, Nguyễn Thị Việt Hương, Phạm Vũ Quốc Bình, Thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục và gần 200 đại biểu đại điện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh thành phố trên cả nước và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 10 tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong thời gian qua tham dự trực tuyến.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng đánh giá cao các Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các sự kiện, hoạt động, hội thảo, hội nghị nhân ngày 04/10 và góp ý cho Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, đề án nâng tầm kỹ năng lao động, đề án chuyển đổi số… Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung trao đổi các nội dung: Đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc về thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tay nghề và đưa ra phương án đề xuất các cơ chế chính sách giải pháp để tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực có kỹ năng có tay nghề cho doanh nghiệp trong bối cảnh một số doanh nghiệp tại một số địa phương đã bị ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch COVID-19; Tình hình triển khai Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTG của Chính phủ; Triển khai các nội dung của giáo dục nghề nghiệp trong các chương trình mục tiêu quốc gia; Triển khai các sự kiện của giáo dục nghề nghiệp của năm trong bối cảnh hiện nay như Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thi kỹ năng nghề Quốc gia, Tôn vinh Học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu…

Hội nghị đã nghe Thủ trưởng các Vụ thuộc Tổng cục báo cáo về một số nội dung về công tác tuyển sinh đào tạo của giáo dục nghề nghiệp 9 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc dạy và học hiện nay như: Việc dạy và học online giúp sinh viên, duy trì việc học tập, đảm bảo thời gian khóa học, tuy nhiên chủ yếu phù hợp áp dụng đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (kinh tế, kinh doanh, văn hóa, pháp luật ....) và các nội dung lý thuyết; các nội dung thực hành, môn học tích hợp đòi hỏi phải tổ chức giảng dạy tại phòng thực hành, nhà xưởng, khó tổ chức thực hiện đào tạo trực tuyến, nhất là đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ yêu cầu đến máy móc, công cụ, phôi liệu thực hành, thực tập; Việc quản lý học sinh, sinh viên học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác học tập và điều kiện cơ sở vật chất của người học nên các trường gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc tham gia học tập của học sinh, sinh viên; Đối với các trường tại các địa phương không áp dụng giãn cách xã hội có thể tổ chức dạy học trực tiếp tại trường nhưng cũng bị ảnh hưởng trong việc đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập do nhiều doanh nghiệp ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, cắt giảm sản lượng, giảm nhân công do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội học sinh, sinh viên không thể đi thực tập tại doanh nghiệp; Nhiều khóa đào tạo tại các trường đến giai đoạn chuẩn bị kết thúc không thể tổ chức thi tốt nghiệp và bế giảng do chưa hoàn thành chương trình học tập theo kế hoạch.

Và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng điện tử cho nhà giáo để chủ động duy trì hoạt động đào tạo với những nội dung phù hợp mà điều kiện cho phép; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến. Huy động mọi nguồn lực tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập và thực hiện việc số hóa các hoạt động quản lý, đào tạo trong các nhà trường.  Các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội của địa phương, đảm bảo khai thác tối đa thời gian học sinh, sinh viên được tập trung học trực tiếp tại trường. Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung tại trường, các trường có thể điều chỉnh kế hoạch để tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép người học quay lại trường tổ chức học thực hành, thực tập kỹ năng. Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, trong điều kiện cho phép các trường nghiên cứu tổ chức đào tạo theo phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo. Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô đun có nội dung phù hợp, có thể cho phép thực hiện việc thi, kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến, bảo đảm chính xác, khách quan kết quả học tập của người học. Tiếp tục triển khai thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng tổ chức đào tạo 02 môn học chung (môn Tin học và Tiếng Anh) theo hình thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người học hoàn thành chương trình đào tạo.
Các cơ sở GDNN chủ động, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khi điều kiện cho phép. Triển khai các phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP  và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đẩy mạnh đào tạo thường xuyên (vừa làm vừa học; đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến) đối với toàn bộ chương trình đào tạo hoặc đào tạo một số môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. (ix) Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh cho học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý, nhà giáo để đưa hoạt động đào tạo trở lại bình thường.

Về tình hình triển khai Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTG của Chính phủ: Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành 10 văn bản hướng dẫn, tổ chức 05 hội nghị hội thảo lớn và 15 cuộc họp để triển khai thực hiện hỗ trợ. Các tỉnh miền núi phía bắc triển khai rất tích cực, các địa phương tổ chức các đoàn công tác đến cơ sở để khảo sát nắm tình hình. Tuy nhiên các doanh nghiệp tập trung ưu tiên các đơn hàng cuối năm nên chưa quan tâm đến đào tạo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến

Đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã trao đổi nhiều nội dung như khảo sát chi tiết nhu cầu nhân lực, nhóm nghề doanh nghiệp cần để kết hợp đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp một cách chủ động; cần có gói hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên để quay trở lại học tập do kinh tế gia đình học viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; cần có sự hỗ trợ của Tổng cục, sự phối hợp của các địa phương có người lao động di chuyển về quê hương gây chênh lệch nguồn lao động; vấn đề tiêm phòng Vacxin cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp…

Lãnh đạo Tổng cục và đại diện các Vụ, đơn vị đã trao đổi các thông tin liên quan đến Hội giảng nhà giáo trực tuyến diễn ra vào đầu tháng 11/2021; Kỳ thi tay nghề quốc gia sẽ tổ chức thi trực tiếp và trực tuyến; Chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10/2021; Chính sách hỗ trợ cho học sinh sinh viên Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 3//2021; Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh Các địa phương, cơ sở cần khảo sát, đề xuất chi tiết nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp (lao động nhóm ngành nào, khả năng cung ứng lao động, thời gian doanh nghiệp cần lao động) đảm bảo cung ứng nguồn lao động lợp lý với khả năng của địa phương, cơ sở tránh đứt gãy nguồn nhân lực; Tiếp tục thông qua tuyên truyền cho người dân, phối hợp với bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có văn bản đến các Bộ/ngành, địa phương liên quan để hướng dẫn hỗ trợ.

Về công tác truyền thông, Tổng cục trưởng đề nghị các Sở LĐTBXH, cơ sở GDNN: Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và tổ chức thực hiện Thư kêu gọi của Chủ tịch nước một cách thường xuyên, liên tục, thực chất và hiệu quả; Triển khai xây dựng không gian truyền thông và hệ sinh thái truyền thông theo Quyết định số 270/QĐ-TCGDNN ngày 18/6/2021; chú trọng tới việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông; Đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội; Chuẩn bị các nội dung truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền từ cơ sở, với những hình ảnh thiết thực của hệ thống GDNN.

Thay mặt Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng chúc tất cả các đại biểu sức khỏe, bình an trong mùa dịch và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

VĂN LÝ